Sử DụNG 1.000 DRONE TRONG đạI NHạC KịCH TạI Lễ HộI SôNG NướC SàI GòN

Lễ hội sông nước TP HCM lần thứ hai có điểm nhấn là vở đại nhạc kịch "Chuyến tàu huyền thoại", huy động 1.000 diễn viên cùng 1.000 drone.

Chiều 8/2, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết Lễ hội sông nước TP HCM năm nay sẽ tổ chức trong 10 ngày, từ 31/5 đến 10/6, mở rộng cả về quy mô và thời gian. Các sở ngành sẽ cùng phối hợp tổ chức thành chuỗi sự kiện liên ngành du lịch, giải trí, thể thao, ẩm thực, mua sắm, gắn với tinh thần lễ hội sông nước.

Hoạt động được kỳ vọng tạo nên thương hiệu Lễ hội sông nước TP HCM cũng là điểm nhấn của sự kiện là chương trình nghệ thuật "Chuyến tàu huyền thoại".

Bà Lê Hải Yến, Tổng đạo diễn chương trình, cho biết đây là vở nhạc kịch ngoài trời gồm 5 chương, kể lại câu chuyện về những chuyến tàu lịch sử gắn với những dấu mốc quan trọng của TP HCM và chiều dài lịch sử dân tộc đi từ quá khứ đến hiện tại. Những người làm chương trình đã dành hơn 6 tháng nghiên cứu các chất liệu lịch sử để thực hiện buổi diễn này.

Dưới hình thức của một vở đại nhạc kịch ngoài trời bên sông Sài Gòn, không gian biểu diễn của đại nhạc kịch rộng lớn với hơn 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng tham gia. Các kỹ xảo điện ảnh được được ứng dụng vào dàn dựng sân khấu, bối cảnh linh hoạt, thay đổi tạo sự bất ngờ cho người xem như 3D mapping, kết hợp sử dụng hơn 1.000 drone trình diễn.

"Ban tổ chức kỳ vọng chương trình sẽ tạo ra xu hướng kết hợp giáo dục - giải trí (edu-tainment), để du khách trẻ dễ tiếp cận các giá trị lịch sử và văn hóa bằng các hình thức nghệ thuật hiện đại", bà Yến nói.

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu đánh giá chương trình được đầu tư quy mô lớn, sẽ đem lại hiệu ứng tốt cho lễ hội. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao duy trì chương trình nghệ thuật này diễn ra thường xuyên để xây dựng thương hiệu lễ hội sông nước của thành phố.

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết sở đang phối hợp với các doanh nghiệp trong thành phố nghiên cứu và tạo dựng một chương trình định kỳ phục vụ người dân và du khách.

Bà Hoa cho hay thời gian tổ chức sự kiện thay đổi so với năm ngoái nhằm giảm tác động từ yếu tố thời tiết, diễn ra vào đầu hè, giai đoạn cao điểm đón khách du lịch quốc tế.

Lễ hội sông nước năm nay sẽ tổ chức tại khu vực cảng Sài Gòn, bến Nhà Rồng - Khánh Hội và một số quận ven sông Sài Gòn như quận 7, quận 8. Sự kiện cũng tăng số lượng hoạt động thể thao dưới nước, văn hóa nghệ thuật. Các hoạt động thể thao dưới nước như trình diễn motor nước, chèo SUP, giải bơi sẽ diễn ra tại quận 7. Tại quận 8, lễ hội có không gian "trên bến dưới thuyền", tái hiện khung cảnh chợ nổi miền Tây, có các hoạt động mua bán, thưởng thức ẩm thực vùng miền tại đây.

Trong 10 ngày lễ hội diễn ra, TP HCM tổ chức song song chuỗi hoạt động kích cầu du lịch hướng đến các sản phẩm du lịch đường thủy. Ngành du lịch và công thương của TP HCM cũng phối hợp tổ chức chương trình kích cầu mua sắm.

Điểm mới của lễ hội sông nước năm nay là lần đầu tổ chức bắn pháo hoa tại đêm khai mạc tối 31/5. Theo đề xuất của Bộ Tư lệnh TP HCM, ba điểm bắn pháo hoa gồm khu vực bờ sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức), điểm này bắn trên sà lan được neo cố định; khu vực cầu cảng Ba Son (phường Bến Nghé, quận 1) và khu vực công viên bờ sông Landmark 81 (phường 22, quận Bình Thạnh).

Trong 4 ngày lễ hội sông nước lần đầu tổ chức năm 2023, công suất phòng nghỉ trên địa bàn tăng khoảng 20%, dịch vụ nhà hàng đạt công suất 100%, doanh thu tăng 23% so với ngày thường. Các sản phẩm du lịch đường thủy cũng thu hút du khách với lượng khách tăng 15% so với thông thường, các tour đường thủy nội đô tăng đến 50%. Tổng lượng khách tham gia lễ hội đạt hơn 51.000 lượt.

Bích Phương

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-08T13:32:01Z dg43tfdfdgfd