PHíA SAU CảNH QUAY HàNG NGHìN NGườI LíNH ĐIệN BIêN TRONG NGàY CHIếN THắNG ở PHIM “HOA BAN đỏ”

Tác phẩm “Hoa ban đỏ” của đạo diễn - NSND Bạch Diệp ra mắt năm 1994 nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Cho đến nay, “Hoa ban đỏ” vẫn được đánh giá là bộ phim đầy cảm xúc về chiến dịch lịch sử này.

“9 năm làm một Điện Biên / Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” - chiến dịch Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử như một chiến tích huyền thoại của quân và dân ta. Mỗi tác phẩm điện ảnh kỷ niệm chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đều nỗ lực tái hiện không khí trận địa ở lòng chảo Mường Thanh với “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt”.

“Hoa ban đỏ” là câu chuyện đầy cảm xúc giữa không khí bi hùng của cuộc chiến, phim xoay quanh nhân vật tiểu đoàn trưởng Phương (NSND Trần Lực) bị trọng thương khi chỉ huy trận chiến chiếm lĩnh Cứ điểm 206 trong những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ở khu cứu thương, Phương gặp lại Tấm (NSND Thu Hà) - vốn là hàng xóm cạnh nhà nay đã trở thành y tá. Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa không khí hối hả của cuộc chiến, Tấm đem lòng thầm yêu Phương. Khi sức khỏe bình phục, Phương trở lại đơn vị cùng đồng đội chiến đấu. Cuộc chia tay của Phương và Tấm diễn ra giữa rừng hoa ban đỏ. Phương hẹn sẽ gặp lại Tấm vào ngày chiến thắng.

Cảnh cuối cùng khép lại bộ phim, giữa không khí cờ hoa rợp trời của ngày chiến thắng, hàng nghìn người lính hát vang khúc quân hành, Tấm đi ngược lại với đoàn quân, cô chạy khắp Mường Thanh tìm Phương nhưng không thể nào gặp lại...

“Hoa ban đỏ” đan cài câu chuyện tình dở dang đầy cảm xúc giữa Phương và Tấm trong không khí khẩn trương, khốc liệt của cuộc chiến giai đoạn nước rút. Cảnh kết phim được dàn đại cảnh hoành tráng với sự tham gia của hàng nghìn diễn viên quần chúng. Cảnh quay được ví như thước phim tài liệu chân thực, đẹp hiếm thấy.

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, NSND Trần Lực khẳng định, những ngày quay “Hoa ban đỏ” là kỷ niệm tươi đẹp, đáng nhớ, đầy cảm xúc mà anh không thể nào quên. Vai tiểu đoàn trưởng Phương của NSND Trần Lực trong “Hoa ban đỏ” từng khiến bao khán giả tan chảy bởi vẻ đẹp phong trần, nam tính.

Với NSND Thu Hà, mỗi năm, vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, khi “Hoa ban đỏ” được chiếu lại, nữ diễn viên luôn cảm thấy tự hào, vinh dự khi được góp sức trong những thước phim lịch sử.

Trong ký ức, NSND Thu Hà nhớ nhất đại cảnh quay cuối cùng, khi cô đi ngược lại đoàn quân hàng nghìn người để tìm Phương.

”Cảnh quay được dàn dựng công phu, hoành tráng. Đạo diễn, NSND Bạch Diệp trên phim trường như “hét ra lửa”. Bà “điều quân khiển tướng”, làm việc với hàng nghìn diễn viên quần chúng, dàn diễn viên chính kết hợp với các bộ phận khác từ quay phim, ánh sáng… đều phải phối hợp nhịp nhàng” - NSND Thu Hà kể lại về cảnh quay đại cảnh cuối phim.

“Đóng “Hoa ban đỏ”, tôi rất cảm kích khi được làm việc với đạo diễn tài năng là NSND Bạch Diệp. Đó là tác phẩm với những đại cảnh hoành tráng, tái hiện lại cuộc chiến ở Điện Biên năm nào.

Tôi nhớ, khi tôi đi ngược lại đoàn quân chiến thắng để tìm tiểu đoàn trưởng Phương. Đại cảnh với sự tham gia của hàng nghìn diễn viên quần chúng trong quân phục của người lính Điện Biên, hân hoan trong ngày chiến thắng, cờ hoa rợp trời, và tôi là cô gái duy nhất hòa trong đoàn quân, đi ngược lại để tìm Phương, nhưng không thấy. Câu chuyện tình dang dở giữa ngày chiến thắng đầy cảm xúc, khiến tôi nhớ mãi đến bây giờ” - NSND Thu Hà nói.

“Hoa ban đỏ” qua góc nhìn nữ tính của NSND Bạch Diệp với nhiều cảnh quay lãng mạn, nên thơ giữa rừng hoa ban đan xen trong không khí khốc liệt của cuộc chiến đã trở thành bộ phim chiến tranh gây xúc động mạnh với khán giả.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-07T02:05:34Z dg43tfdfdgfd