Đỗ MạNH CườNG: 'LIVESTREAM MộT NGàY, DOANH THU BằNG Cả THươNG HIệU BáN HàNG MộT THáNG'

Từng vui sướng vỡ òa khi đạt con số một tỷ đồng, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường đang nỗ lực để doanh thu mỗi phiên live liên tục tăng lên.

Livestream là hình thức bán hàng bùng nổ trong showbiz Việt thời gian qua với sự tham gia của nhiều gương mặt quen thuộc như Diệp Lâm Anh, Phương Trinh Jolie, Đàm Vĩnh Hưng, Lê Dương Bảo Lâm... Không nằm ngoài xu hướng đó, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường cũng đạt những mốc doanh thu ngày càng cao nhờ các phiên live hàng chục nghìn đơn. Anh chia sẻ với Ngôi Sao về quá trình tìm hiểu thông tin và bí quyết của mình để có được thành công ở lĩnh vực này.

- Là một trong những tên tuổi đình đám của làng mốt Việt, lý do gì khiến anh quyết định hòa cùng trào lưu livestream bán hàng?

- Tôi nghĩ ở mỗi thời điểm sẽ có những thay đổi buộc mình phải bắt kịp. Sau giai đoạn xây dựng thương hiệu Đỗ Mạnh Cường, tôi bước vào chặng đường mới cùng SIXDO ngay lúc thế giới đối mặt với đại dịch, gây ra nhiều biến động ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Trước đây, tôi không hề chú trọng mảng online vì tôi hiểu khi mình bán đồ với giá chục triệu đến hàng trăm triệu đồng thì đối tượng khách online sẽ không nhiều. Những người mua đồ cao cấp thường thích trải nghiệm tại cửa hàng hơn. Tuy nhiên, khi tôi quyết định ra mắt thương hiệu mới ở thời điểm dịch bệnh, mọi thứ đã thay đổi, và sau dịch lại càng khác biệt hơn. Sau khi tìm hiểu trào lưu livestream, tôi nhận thấy đó là một thị trường quá lớn, nếu mình không theo kịp thì sẽ giậm chân tại chỗ.

Ở Trung Quốc có những streamer đình đám, một đêm họ có thể đạt doanh thu bằng cả trung tâm thương mại bán trong một năm. Tôi từng nghĩ đó là điều viển vông. Rồi khi tìm hiểu ở Việt Nam, tôi biết có những phiên live đạt doanh thu vài chục tỷ đồng. Tôi làm việc trực tiếp với TikTok nên xác nhận đó là thông tin chính xác. Có thể những người chưa từng bước chân vào mảng này sẽ thấy mơ hồ và cho rằng dấu mốc 5 tỷ, 10 tỷ, 30 tỷ hay 75 tỷ mỗi phiên live là những con số kinh khủng khiếp. Nhưng khi trực tiếp tham gia, tôi thấy đó là điều hoàn toàn khả thi. Nhiều khi tôi livestream một ngày mà doanh thu bằng cả thương hiệu DMC trong một tháng. Vậy tại sao mình không làm?

Với tôi, danh tiếng không tính bằng giá trị ảo hay những lời tung hô. Tôi đã qua giai đoạn phù phiếm đó và quá chán rồi. Giờ tôi đi vào giá trị thật, đó là kiếm tiền. Cái gì tốt cho thương hiệu thì tôi sẽ thực hiện bằng mọi giá. Dù livestream không phải việc của mình, tôi vẫn làm vì biết như vậy sẽ hiệu quả hơn so với để nhân viên lên sóng.

- Anh gặp thuận lợi và khó khăn gì khi áp dụng hình thức kinh doanh này?

- Điều thuận lợi nhất là khách hàng có niềm tin lớn ở tôi. Sự góp mặt của tôi trở thành bảo chứng để họ nhận biết SIXDO là của Đỗ Mạnh Cường. Thực ra không phải ai cũng biết điều đó, vì thương hiệu này mới xuất hiện ba năm thôi. Ngoài ra, khách hàng cũng thích kiểu nói chuyện của tôi bởi cảm giác gần gũi, không bị xa cách. Tôi không tạo một bộ mặt theo kiểu mình là nhà thiết kế nổi tiếng nên phải có thái độ chảnh chọe, nhờ đó gây thiện cảm với khách hàng, khiến họ thích thú và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn.

Lợi thế tiếp theo, chỉ cần một người tư vấn là tôi, khán giả vẫn chốt đơn ầm ầm, cùng lúc có thể 100 - 200 người mua hàng. Tôi rất thích hình thức chốt đơn trên TikTok vì nó nhanh gọn, tiện lợi, không cần nhiều nhân sự. Trong khi ở những kênh khác, mỗi nhân viên phải tư vấn cho khách rất lâu mà chưa biết có bán được không.

Ngược lại, khó khăn của tôi là hàng hóa khi giới thiệu trên sóng livestream đều còn số lượng ít, lẻ size nên khó có thể cung cấp được nhiều như mình mong muốn. Hơn nữa, việc đóng hàng sau mỗi phiên live cũng là một vấn đề. Thời gian cho công đoạn này ở TikTok cực kỳ gấp rút, chỉ có 24 giờ thôi, mà số lượng đơn hàng đôi khi lên tới 10 nghìn nên rất cực.

- Anh có cảm xúc thế nào khi bắt đầu phiên livestream bán hàng đầu tiên?

- Khi ấy tôi rất hồi hộp vì không biết mình có bán được không, ngoài ra không còn lo lắng nào hết. Bởi trước đó tôi từng livestream trên Facebook nhiều rồi, còn TikTok là một điều mới mẻ với tôi, và tệp khách hàng cũng khác.

Ban đầu tôi nghĩ liệu có bán được 100 đơn không, chạm mốc đó rồi lại nghĩ có bán được vài trăm hay 1.000 đơn không. "Lòng tham" của mình sẽ càng lúc càng cao mà, cứ đạt được mỗi dấu mốc sẽ lại đặt ra mục tiêu lớn hơn.

Hồi trước, tôi rất mừng khi đạt doanh thu vài trăm triệu đồng một phiên live, rồi lúc chạm con số một tỷ thì cảm giác vui sướng vỡ òa bởi nó vượt mục tiêu mình đề ra. Dần dần tới hai tỷ, rồi 5 tỷ. Mình cứ nỗ lực từng bước vì không thể ngay lập tức có được thành tựu lớn.

- Doanh thu cao nhất anh từng đạt được trong một lần livestream là bao nhiêu?

- Đó là 5,5 tỷ đồng, phiên live kéo dài khoảng 18 tiếng. Thực ra mục tiêu lần đó của tôi là 10 tỷ, nhưng đang live thì lỗi mạng nên bị cắt sóng. Tôi sẽ cố gắng đạt con số này trong thời gian tới. Nó đòi hỏi sự đầu tư công sức của cả team. Những phiên live lớn thì cần chuẩn bị hàng hóa kỹ lưỡng. Chẳng hạn phiên live 75 tỷ gây xôn xao đợt trước, họ phải chuẩn bị ròng rã cả tháng trời, thỏa thuận với các nhãn hàng và sắp xếp rất nhiều thứ.

- Động lực nào khiến anh muốn đặt ra mục tiêu doanh thu online ngày càng cao?

- Giờ tôi có 10 con nuôi và đang nhận đỡ đầu 4 bé, chưa kể con số này chắc chắn sẽ tăng. Mục tiêu kiếm tiền của tôi cao hơn người khác rất nhiều vì tôi không muốn con mình khổ. Nhận con rồi thì phải có trách nhiệm với chúng. Cuộc sống của bản thân trước giờ thế nào, tôi muốn các con cũng được hưởng như vậy. Thế nên cách nuôi con của tôi cũng tốn kém, nhất là khi lũ trẻ đã đến tuổi đi học. Ngày xưa chỉ tốn tiền tã sữa, giờ thì đủ khoản chi như học phí ở trường, các lớp năng khiếu... Với bé nào theo con đường nghệ thuật, tôi bắt đầu định hướng và đầu tư xây dựng hình ảnh cho con. Nhiều loại chi phí như vậy chính là động lực để tôi cố gắng hết sức. Nhất là sau đại dịch, chúng ta không biết được điều gì có thể xảy đến.

Tuy nhiên, tôi không đặt nặng việc theo đuổi những con số kỷ lục bởi doanh thu từ chuỗi cửa hàng đã tốt rồi, còn việc livestream chỉ nhằm giải quyết hàng tồn kho chứ không phải áp lực gì cả. Nó phát huy hiệu quả đáng kể, tránh trường hợp phải tiêu hủy sản phẩm cũ như nhiều thương hiệu.

- Anh được ủng hộ tinh thần ra sao về hướng đi mới của mình?

- Quan trọng nhất với tôi là được khách hàng ủng hộ. Tôi bước vào cuộc chơi với tâm thế biết mình có sẵn nhiều thuận lợi và sẽ còn đạt những dấu mốc doanh thu ấn tượng hơn nếu có đủ hàng cung cấp cho một phiên live.

- Còn những bình luận tiêu cực trên mạng xã hội, anh phản ứng thế nào khi gặp chúng?

- Hiện tại tôi cũng hạn chế đáp trả lắm, thỉnh thoảng nếu có thì nói vui vui để thay đổi không khí chứ thực ra tôi không quá để tâm. Đối tượng theo dõi các kênh của tôi chủ yếu là khách hàng, không có nhiều người "đâm chọc" như vậy. Từ lâu tôi đã bỏ ngoài tai dư luận, ai nói gì thì nói, mình cứ làm thôi. Họ không phải mình, không hiểu những gì mình làm thì tốt nhất là không tranh luận hay giải thích nhiều.

- Anh trau dồi các kỹ năng gì để tăng hiệu quả bán hàng livestream?

- Tôi không trau dồi kỹ năng nào hết (cười), vì tôi từng livestream trên Facebook và hiểu rằng khách hàng chỉ thích những gì chân thật từ mình thôi. Tôi không đi theo hướng xây dựng các phiên live chiêu trò hay đầu tư nhiều thứ khác để tăng sức hút. Êkíp của tôi đơn giản lắm, chỉ gồm một trợ lý, hai hoặc ba người mẫu, nếu live cả ngày thì khoảng 6 bạn thay phiên nhau là đủ. Còn về kỹ năng, thực ra khách hàng chỉ cần tôi nói chuyện với họ bình thường thay vì kiếm cách khuấy động, gây chú ý. Mỗi phiên live cứ lên đồ đẹp, biết cách tư vấn cho khách là ổn thôi.

Ngoài ra, tôi vốn là người nổi tiếng trên mạng xã hội, tạo dựng tên tuổi bằng thực lực chứ không nhờ chiêu trò. Những khán giả theo dõi tôi đều là người trưởng thành, không phải tệp khách hàng trẻ nên cũng phù hợp phong cách live của tôi.

- Anh có kế hoạch phát triển hướng đi này ra sao?

- Tôi chỉ đau đầu về việc làm thế nào có đủ hàng bán để đạt mục tiêu trước mắt là 10 tỷ đồng, bởi lượng trang phục cần thiết cho phiên live đó rất kinh khủng. Những người khác có phiên live lớn thường là bán nhiều loại sản phẩm từ các hãng nên không gây nhàm chán, cả tệp khách hàng cũng đa dạng hơn. Còn tôi chỉ bán quần áo thuộc thương hiệu mình thôi, nên vấn đề số lượng cực kỳ nan giải. Ai kinh doanh thời trang sẽ hiểu điều này.

Còn nếu làm thêm hàng mới để bán live với giá rẻ hơn thì không được. Hiện tại xưởng của tôi phải sản xuất đồ cho 70 cửa hàng trên cả nước, chưa kể tôi sắp mở lại thương hiệu DMC dành cho giới trẻ nên cũng cần nhiều mặt hàng. Tuổi đời một sản phẩm phải từ 8 tháng đến một năm mới có thể bán giảm giá, khi ấy số lượng không còn nhiều. Đó là vấn đề rất đau đầu.

- Anh nhận định thế nào về làn sóng nghệ sĩ livestream bán hàng hiện tại?

- Theo tôi, kiếm ra tiền thì họ làm thôi. Đó là một kênh quá tiềm năng. Hôm trước Diệp Lâm Anh có một phiên live 36 tỷ đồng, cô ấy bán cho các thương hiệu thì có thể bỏ túi 10, 15 hoặc 20% doanh thu, tùy thỏa thuận với nhãn hàng. Đó là con số lớn, cao hơn thù lao nhiều việc. Vậy tại sao không làm?

Tôi thấy hiện nay các thương hiệu book quảng cáo không như ngày xưa. Họ đâu còn chuộng kiểu thuê nghệ sĩ đăng status trên Facebook hoặc mời đi event rồi trả hàng trăm triệu đồng, vì điều đó không mang lại doanh thu. Giờ họ chuyển qua hình thức livestream bởi nó tạo nên giá trị thật. Phải ra tiền thì họ mới book, rất rõ ràng.

Tôi biết có những người bình thường, chẳng hạn hồi xưa chạy taxi công nghệ mà nay đổi đời nhờ livestream, đạt doanh thu vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Đương nhiên không dễ có được thành công như vậy, họ cần nỗ lực rất nhiều để xây dựng thương hiệu cá nhân, xử lý khối lượng công việc lớn và luôn phải tìm cách tạo ra nội dung hấp dẫn. Có nhiều bạn trẻ khiến tôi phải nhìn vào để học hỏi. Họ quá giỏi luôn, nếu mình không theo kịp thì sẽ thua. Tóm lại, tôi nghĩ ai cũng vậy, nghệ sĩ cũng phải kiếm tiền, cách nào chân chính thì mình làm thôi.

Giang Myt thực hiện

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-26T17:12:15Z dg43tfdfdgfd